Backgroup Default
TRANG CHỦ    Tin tức - Sự kiện
Ngày đăng:  20/06/2023, Lượt xem: 81

Ngày 10/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Hội Khuyến học Việt Nam và các ban ngành, đoàn thể tổ chức Lễ phát động phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030”.

Sự kiện được tổ chức trực tiếp tại Trường Đại học Phenikaa (Hà Nội) kết hợp trực tuyến tới 63 điểm cầu tỉnh/thành phố trong cả nước.

Tham dự sự kiện có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan; cùng các lãnh đạo các bộ, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, các tỉnh, thành phố; đại diện lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học, các trường cao đẳng sư phạm, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các nhà giáo, cán bộ khuyến học tiểu biểu.

 

Đại biểu tham dự lễ phát động phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030”.

 

Tại 63 điểm cầu của các tỉnh, thành phố có sự tham dự của đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy, Thành ủy, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố và đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành, các cơ sở giáo dục địa phương. 

Lễ phát động Phong trào "Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030" với mục đích tiếp tục phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về vai trò, ý nghĩa và sự cần thiết của việc học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập.

 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát động phong trào "Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030".

 

Tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có bài phát biểu phát động Phong trào "Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030". 

Đại diện lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, cùng một số bộ, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, các tỉnh, thành phố phát biểu hưởng ứng phong trào thi đua. 

Bộ Giáo dục và Đào tạo với vai trò chủ trì buổi lễ đã có báo cáo về một số kết quả hoạt động xây dựng xã hội học tập và đề xuất các nội dung của phong trào thi đua.

Đáp ứng lời phát động của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, các tỉnh, thành phố sau sự kiện này sẽ triển khai phong trào thi đua sâu, rộng và thường xuyên ở cơ quan, đơn vị, địa phương, để cả hệ thống chính trị, toàn dân hưởng ứng phong trào "Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030", góp phần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ phát động phong trào Cả nước thi đua học tập.

 

Đề án "Xây dựng xã hội học tập" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai từ năm 2005 theo các thời kỳ, giai đoạn 2005-2010, 2012-2020 và 2021-2030. Tính đến nay, việc triển khai các Đề án này đã mang lại nhiều kết quả quan trọng.

Mạng lưới cơ sở giáo dục thường xuyên được củng cố và phát triển nhanh chóng về số lượng, đa dạng về mô hình, hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của người dân với 17.459 cơ sở giáo dục thường xuyên trên cả nước.

Số lượng cơ sở giáo dục thường xuyên tư thục tăng nhanh, đặc biệt là hệ thống trung tâm tin học, ngoại ngữ đã hỗ trợ tích cực trong việc nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học cho học sinh, sinh viên, cán bộ công chức, giáo viên và mọi người dân theo hướng xã hội hoá.

Trong 4 mục tiêu chính của Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020", đã đạt được 2 mục tiêu lớn là "Xoá mù chữ và phổ cập giáo dục", "Học tập để hoàn thiện kỹ năng sống, xây dựng cuộc sống cá nhân và cộng đồng ngày càng hạnh phúc hơn".

Một trong những kết quả quan trọng đạt được khi thực hiện Đề án là hình thành được mô hình xã hội học tập ở cấp xã. Trong khi các nước xây dựng xã hội học tập ở cấp thành phố trở lên thì Việt Nam đã tiếp cận tới cấp nhỏ hơn là cơ sở và tạo động lực, huy động được người dân tham gia học tập. Cách làm riêng này đã được UNESCO và các quốc gia công nhận.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực tế cho thấy còn những hạn chế, rào cản xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam. Nhận thức về công tác khuyến học, khuyến tài xây dựng xã hội học tập chưa đúng mức. Các hoạt động học tập suốt đời ở ngoài nhà trường chưa đa dạng, phong phú, điều kiện hoạt động còn nhiều khó khăn. Sự tham gia của các cơ sở giáo dục đại học trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập còn hạn chế...

Để tiếp tục nâng cao nhận thức của toàn xã hội về sự cần thiết, tác động và ích lợi của học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập, góp phần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030", cần triển khai phong trào "Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030".

(Theo Công dân và Khuyến học)

 

Bài viết liên quan